Những đôi chân hào hoa, phong nhã ngày càng thiếu vắng đi trong bóng đá đương đại. Giờ đây người ta đề cao sự chắc chắn, tính kỷ luật, khoa học và hiệu quả. Nhưng với những ai yêu bóng đá đẹp đặc biệt là những Gunners, hẳn sẽ chẳng thể quên được những khoảnh khắc đầy xúc cảm và bay bổng mà Tomas Rosicky đã mang lại trên thảm cỏ xanh.
Tomas Rosicky được ví von với Mozart, môt thiên tài thực sự và quả thực anh là cái tên “hiếm có khó tìm”, người được Chúa cho những phảm chất thiên bẩm gần như chẳng mấy cố gắng nhưng vẫn đến được đỉnh cao ngay từ lúc nhỏ.
Chưa đầy 7 tuổi, anh đã lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch tại CLB mà cậu bé CH Séc nào cũng ao ước, Sparta Prague. 15 tuổi anh giành được chức vô địch quốc gia cấp độ…U18. Ba năm sau, khi chính thức là một chàng trai 18, anh được lên đội một và cùng Sparta Prague giành ngôi vương quốc nội.
Khi chia sẻ về cậu học trò nhỏ của mình, Wenger đã từng nói Rosicky vượt trội vè cả thị giác lẫn xúc giác. Cùng với Zidane, Redondo hay Bergkamp, người ta có cảm giác bóng đá chẳng hề là một trò chơi tốn sức. Trái bóng dường như rất “ngoan” khi ở trong chân anh. Đó thực sự là bậc kỳ tài của những kỳ tài.
19 tuổi, anh chuyển tới Dortmund với giá 14,5 triệu bảng – một kỷ lục chuyển nhượng ở Bundesliga lúc bấy giờ. Cùng năm đó anh được gọi vào đội tuyển quốc gia và chơi bên cạnh những bậc anh hào khét tiếng ở đất nước pha lê như Milan Baros, Pavel Nedved, Karel Poborsky, Jan Koller…26 tuổi, chiếc băng đội trưởng đội tuyển quốc gia thuộc về anh.
Rõ ràng so sánh Rosicky với Mozart cũng chẳng ngoa. Khi người ta phải vật lôn hùng hục thì anh chỉ cần bước nhẹ tới và chướng ngại vật đã ở sau lưng. Anh được đặt trong một môi trường quá thuận lời và bài bản để tỏa sáng. Nhưng điều đó cũng mang lại tác dụng phụ: kém cá tinh và khó có thể đương đầu với những thời khắc khó khăn
Trong một trận đấu thuộc khuôn khổ FA Cup mùa bóng 2007-2008, Rosicky quằn quài trên sân sau pha vào bóng của hậu vệ Newcastle. Hậu quả là hai năm ròng sau đó, anh “ngồi chơi xơi nước” ngắm nhìn các đồng đội thi đấu trên giường bệnh. Cứ thế chuỗi vòng quay chấn thương – trở lại – tiếp tục chấn thương đeo đuổi anh không dứt, chưa mùa giải nào anh được thi đấu trọn vẹn.
Giai đoạn chơi bóng cho Arsenal, Rosicky đã biết đến mùi thất bại. Anh dường như thực sự chưa bao giờ chơi bóng với đúng đẳng cấp của mình một cách ổn đinh. Môi trường Premier League quá khắc nghiệt đối với anh. Ở Bundesliga, anh có thể dễ dàng đi qua cả tá cầu thủ nhưng ở đây những gã hậu vệ hộ pháp với lối chơi đậm chất thể lực và tốc độ có thể khiến Rosicky bị đá văng ra bất cứ lúc nào. Chấn thương đến như một lẽ tất yếu.
Tên anh thưa thớt dần khi người ta xướng danh đội hình tiêu biểu, thay vào Rosicky “được vinh dự” có mặt trong đội hình danh thủ bị hủy hoại bởi chấn thương cùng với những Francesco Coco, Gianluigi Lentini, Sebastian Deisler, Owen Hargreaves hay Ruben De la Red. Qúa nghiệt ngã và nó đã lấy đi của anh tất cả. Cảm giác bóng không còn, thể trạng suy sụp, những đường bóng tinh tế, điệu nghệ và vị nghệ thuật thiếu vắng dần, anh không thể cạnh tranh được với những đồng đội non kém hơn cả về tuổi đời và kinh nghiệm.
Đến ngay cả khi bước qua ngưỡng tuổi băm người ta vẫn thấy một cảm giác rằng Rosicky chưa đủ độ chín muồi ở một cầu thủ thành công quá sớm. Tiểu Mozart không thể vươn tới hết khả năng của mình. Anh vẫn chỉ là một tài năng không thể lớn. Nhưng dàn dần những khó khăn đã bắt đầu góp phần trui rèn nên ý chí chiến đấu.
Chắc không ai có thể quên được hình ảnh cách đây gần 1 năm, anh cướp bóng từ chân Danny Rose ở giữa sân, sau đó lao vút đi như một mũi tên bắn và sục bóng nhẹ nhàng qua đầu Hugo Lloris trong sự ngỡ ngàng của tất cả khi quên mất rằng anh đã ở tuổi 33.
Rosicky là thế đấy, một thiên tài bị mài mòn trong nhung lụa nhưng dẫu sao đó vẫn là một thiên tài. Ngọn lửa khát khao cháy hết mình trong anh khiến cho đồng đội vững tâm và mạnh mẽ hơn trong bối cảnh Arsenal chưa bao giờ được đánh giá cao về phương diện ý chí ở những thời điểm hiểm nghèo. Anh có thể tỏa sáng, anh có thể làm nền, anh có thể làm tất cả vì CLB anh yêu.
Tuy không thường xuyên thi đấu nhưng mỗi khi có cơ hội anh luôn ra sân với quyết tâm cao nhất. Đã hơn một lần trong vài mùa giải gần đây người ta thấy anh hoạt động không biết mệt mỏi ở tuyến giữa, lùi sâu về phòng ngự, thoăn thoắt có mặt trên tuyến đầu, “kiến tạo” nên nền móng cho những đợt pháo kích và ghi dấu bằng những bàn thắng.
Tuổi tác và những chấn thương có thể ập xuống bất cứ lúc nào trên đôi chân tài hoa nhưng người nghệ sỹ vẫn hát. Mỗi lần tiếng hát ấy cất cao lên là mỗi lần người hâm mộ lại thấy xót xa, thương cảm về một “nhà soạn bóng” từng làm say đắm biết bao thế hệ. Tiếc rằng pha lê là thứ đẹp đến lạ kỳ nhưng cũng mong manh hơn hết thảy…
No comments:
Post a Comment